Không biết xoài trồng lúc nào mà cây nào cây nấy đều to lớn, thân cây phải một người ôm. Thông thường, xoài sau ba năm mới bắt đầu ra trái chiến.
Ba năm cây mít đóng đài
Cây cam có trái, cây xoài trổ bông.
Xem thêm : Cách pha chế các loại sinh tố !
Tất cả vườn xoài đều rặt một giống đó là xoài tượng. Chữ tượng nghĩa thật là voi, voi là con to lớn, mập mạp nhất. Vì vậy, dân gian dùng chữ tượng để chỉ vật to lớn: tấm thân bồ tượng, bát chân tượng, ốc tai tượng…
Xoài tượng Bình Định khá lớn, mỗi trái chừng nửa ký, vỏ màu xanh tươi, khi bắt đầu chín trái ửng vàng. Đây là lúc vừa hái. Hái xong người ta đem xếp vào giỏ có lót rạ, cứ một lớp trái một lớp rơm. Muốn xoài mau chín người ta lót bằng lá sầu đông. Ngày xưa chưa có hóa chất nên trái xoài luôn là thực, người mua nhìn sắc xoài là biết ngay chất lượng xoài. Xoài ngon có màu cam sáng rỡ, mập mạp. Mùi thơm tỏa ra xung quanh. Vì xoài quá nhiều nên giá khá thấp, bạn hàng các vùng lân cận đến mua sỉ, họ mua một vùng hoặc một trăm cây. Họ tự thu hoạch, quản lý, khi đem ra chợ thì bán theo chục. Tiếng nói là một chục nhưng số xoài từ mười hai đến mười lăm trái.
Xoài trồng ở đây không khó lắm vì thổ nhưỡng khá thích hợp nên xoài phát triển tốt, nhiều trái. Vào tháng chạp, tháng giêng có những đợt rét đậm, người ta gọi là động hoa xoài. Hoa xoài màu trắng, hơi vàng ra trắng cả cây, báo hiệu một mùa xoài bội thu, ngược lại thì lúa dễ bị "tim", lúa sẽ bị bông bạc - tức là gié lúa lép không đậu hạt.
Được mùa xoài, toi mùa lúa là vậy.
Cầm trái xoài tượng lên ta thấy nặng, mập mạp mướt mát, hương tỏa ra thơm lựng khiến ta thấy thèm ăn ngay, khiến Xuân Diệu đã viết:
Xoài lủng lẳng, những má đầy lơ lửng
Rất dễ thương, muốn hôn hít, muốn ăn
…Cắn phập vô, ai thấy cũng thèm
Giòn, ngon đậm! Thích cười như nắc nẻ.
Xoài tượng là trái ngon trái quý nên ăn xoài tượng phải bài bản, trình tự như giáo khoa.
Một thau nước, một cái khăn sạch, một chục xoài chín, một cái dao. Người vợ, người mẹ dùng dao bén gọt vỏ, lóc hai bên xoài, đặt vào dĩa những miếng xoài vàng ươm, mọng nước, nước cũng vàng, mùi thơm ngọt ngào. Đó là phần cho các ông, cho các cụ. Những miếng hông dành cho lũ trẻ. Với chúng, ngon nhất là hột xoài, nói là hột nhưng vẫn còn cơm xoài, nên tha hồ mà gặm. Gặm xoài là cái thú của lũ nhóc, vừa gặm vừa cười, vừa tranh nhau thật là hồn nhiên.
Lũ trẻ còn được ăn một thứ xoài khác gần như chỉ dành cho trẻ em đó là xoài sẻ. Xoài sẻ trái nhỏ nhưng rất thơm, vị ngọt thanh, điều đáng nói là giá rất rẻ, thích hợp "túi tiền" của trẻ. Nhìn cây xoài sẻ là thấy sướng mắt vì chi chít trái, nhiều không đếm được, nếu thèm, hỏi chủ vườn là họ sẵn sàng biếu ngay vài quả.
Xem thêm: đặc sản Bình Định
Xoài sẻ chín, rửa một lượt cho hết mủ xoài, đem trái lăn trên bàn cho nhũn, cắn mỏm trái, nước xoài tươm ra. Tha hồ mà uống, mà bú như bú mẹ. Ngọt thơm đáo để. Phải chăng là phong cách của trẻ em tinh nghịch.
Còn thứ xoài nữa là xoài thanh ca. Loại xoài này ngon không kém xoài tượng. Vị thanh, ngọt, trái hơi dài không mập như xoài tượng, năng suất kém. Xoài thanh ca tỏ ra thích hợp khi bắt đầu chín, lúc xoài ửng da. Vừa giòn, vừa chua lại vừa ngọt. Chấm một tí muối hoặc một ít mắm ruốc, cắn phập vào, bao nhiêu nước bọt như tuôn ra. Ngon ơi là ngon, ngon đến buốt. Đó là xoài của các cô các bà, món chua ngon tuyệt.
Trong các thứ xoài kể trên, nổi tiếng và được nhiều người thừa nhận là ngon là xoài tượng. Ngày xưa, xoài tượng được nhà vua ưa thích nên hằng năm ngoài tiền, bạc, lụa là…, Bình Định còn phải hiến dâng vua hàng mấy chục ngàn quả.
Xoài tượng là đặc sản của Bình Định, nói đến trái cây Bình Định mà không nói đến xoài là thiếu sót.